website đang giai đoạn xây dựng...

Rất ít người bán cây con dưa chuột do chúng rất dễ bị tổn thương bộ rễ, gẫy thân, nát lá nên bạn phải chủ động gieo hạt. Hạt giống khá đắt và quý. Một cây có thể cho thu hoạch từ 10 đến 30 quả tùy vào biện pháp canh tác của bạn. Bài này mình nêu chi tiết từ gieo hạt, chăm sóc, phòng ngừa nấm bệnh, ngắt nhánh, ngắt ngọn, thu hoạch cho các loại dưa chuột nói chung.


1️⃣. Ươm hạt

• Ngâm hạt qua đêm rồi cho vào cái vợt nhà bếp xả nước để giảm nhớt vỏ. Bọc hạt bằng khăn ẩm trong 1 vài ngày là hạt nứt nanh.
• Cho hạt nứt nanh vào bầu ươm, bầu này cần to, đường kính cỡ cái cốc. Đất ươm hạt cần sạch bệnh, tơi xốp và giàu dinh dưỡng hữu cơ, khuyến khích tỉ lệ 2 đất + 2 giá thể tơi xốp (xơ dừa, trấu..) +1 phân hữu cơ. Bạn cho đất ươm vào đầy 2/3 bầu ươm. Đặt 1 hạt vào khoảng giữa bầu và phủ lên kín hạt - chỉ cần phủ mỏng kín hạt thôi, lớp phủ mà dày quá thì dễ bị ung thối hạt nếu tưới đất quá ẩm ướt. Xịt phun sương để làm ẩm.
• Sau khi nảy mầm, di chuyển đến chỗ đầy nắng và tiếp tục quản lí. Khi cây được 1 lá thật (còn gọi là lá nhặm) thì rải thêm 1 lớp đất ươm dày khoảng 1cm coi như là vun gốc và bón thúc, rễ cây sẽ mọc thêm ở phần đất đó. Lớp đất này cũng thấm dinh dưỡng xuống dưới qua việc tưới ẩm hàng ngày. Sau khi mọc được 3 đến 4 lá thật thì trồng vào chậu lớn hoặc tháp rau. Nhớ kiểm tra để tưới giữ ẩm tránh bị khô. Một khi nó bị khô là cây gục đầu! Tuy nhiên không để tình trạng ướt át thường xuyên để hạn chế nấm bệnh.


2️⃣. Trồng cây

• Chuẩn bị thùng, chậu hoặc túi để trồng cây. Dưa chuột dự kiến ​​sẽ cho khoảng 10 đến 30 quả nên cần dung tích chậu tối thiểu 15 lít mới đủ dinh dưỡng cho nhiều quả. Dưa luôn luôn cần chỗ nhiều nắng - "nắng tốt dưa mưa tốt lúa".
• Đổ đầy khoảng 2/3 thùng bằng đất trộn 4:2:1 (4 đất + 2 giá thể làm xốp + 1 phân hữu cơ). Tạo cái hố to hơn bầu ươm 1 chút ở giữa thùng, rắc chút vôi bột vào phần đất xung quanh thành hố để hạn chế bệnh cho rễ - khoảng 1 thìa cà phê vôi. Nhẹ nhàng lấy cây giống ra khỏi bầu ươm sao cho rễ ít bị tổn thương nhất, vì các loại dưa dễ bị bệnh từ bộ rễ. Trồng cây vào đó sao cho bầu ươm chìm xuống thấp hơn mặt lớp đất trong thùng chút ít (khoảng 1cm), lấp đất san phẳng - như vậy đất mới sẽ phủ lên gốc cây khoảng 1cm. Nhớ tưới giữ ẩm. Nếu dùng đất cũ thì tránh dùng lại đất vừa trồng cây họ bầu, bí, dưa để không bị nhiễm tàn dư mầm bệnh. Cần cải tạo đất cũ để bổ sung dinh dưỡng cho dồi dào tương đương tỉ lệ trộn 4:2:1.

3️⃣. Chăm sóc

• Đặt các chậu sao cho cây cách cây khoảng 40cm thì mới đủ nắng cho các lá và hạn chế được nấm bệnh do lá dưa rất mẫn cảm với bệnh. Nếu trồng trên tháp thì nên trồng ở các hốc tầng giữa tháp (để sau này bấm các lá gốc thì dưa chuột sẽ không chắn nắng các cây khác trên tháp - bấm lá mình sẽ nói bên dưới), trồng hốc cách hốc, như vậy 1 tháp rau chỉ nên trồng 3-4 cây dưa chuột.

• Tưới nước
Vì dưa chuột là một loại rau yếu với bộ rễ ăn nông, cần tưới giữ ẩm thường xuyên, cứ thấy đất se khô bề mặt là phải tưới, hãy cẩn thận để tưới không làm xối gốc rất có hại cho bộ rễ. Đừng tưới lên lá cây, hạn chế tưới buổi tối.

• Cách bón phân
Cứ đất trộn 1:1:1 (1 đất + 1 giá thể +1 phân hữu cơ) bón tuần 1 lần bằng cách phủ kín đất mặt thùng, cây còn nhỏ thì bón lớp mỏng, cây lớn lên thì bón lớp dày hơn. Bạn quan sát thấy lá cây có màu xanh tự nhiên, lá to và dày là tốt (cần chút kinh nghiệm quan sát). Nên bón thêm tro bếp để bổ sung Kali khi cây ra hoa.

• Làm giàn
Dưa chuột là thân leo mềm nên cần giàn làm giá đỡ. Bạn có thể làm giàn đứng hoặc giàn chữ A, chữ X. Giàn cần cao 2 mét tính từ gốc cây, có thể dùng cây cứng hoặc dây để làm giàn, cũng có thể làm dàn dạng lưới đứng như lưới bóng chuyền. Bạn buộc cây vào giàn để giữ cây, buộc kiểu hình số 8 là tốt (1 vòng cho cây, 1 vòng vào giàn)


• Tỉa nhánh, bấm ngọn
Chỉ tập trung nuôi thân chính và 1 mẩu các nhánh cấp I, bạn quan sát trên hình minh họa.
5 lá đầu bạn cần bấm hết nhánh cấp I và nụ để nuôi thân chính sinh trưởng khỏe mạnh, và cũng là để thông thoáng gốc hạn chế nấm bệnh sau này. Lảy ngay khi mầm chồi và nụ hình thành (to bằng hạt gạo). Khoảng 3 tuần sau khi trồng cây con thì cây cao được khoảng trên 30cm, ta nên nuôi các nhánh cấp I từ lá thứ 6 nhưng mỗi nhánh chỉ nuôi 2 lá để cây cách cây thông thoáng và tập trung dinh dưỡng cho nuôi quả. Quả cũng sẽ ra ở các nhánh này cùng với ra quả ở thân chính. Không nên nuôi nhánh dài ra, bỏ tất cả nhánh cấp II nếu có.
Bấm các ngọn nhánh trong ngày nắng và nên bấm khi trời còn nắng để vết bấm mau khô hạn chế nấm bệnh. Khi cây được 18 lá thì bấm ngọn để tập trung dinh dưỡng nuôi quả.
Các lá từ dưới gốc khi có dấu hiệu vàng lá thì cắt bỏ tạo cho gốc thông thoáng, cắt lá khi trời nắng, cắt sát thân cây để hạn chế nấm sợi ăn theo ống lá gây thối cây.

4️⃣. Cách thu hoạch đúng

Việc thu hoạch cũng cần lưu ý. Quả dưa chuột phát triển rất nhanh, và sau khoảng 5-8 ngày kể từ khi ra hoa, nó có kích thước khoảng 20 cm (tùy giống). Lúc này phải thu hoạch, thu hàng ngày.
Dưa chuột luôn luôn nên thu non, không tiếc được, nếu nó già, mùi vị sẽ giảm, và nhất là rất hại cây, lứa quả sau sẽ giảm kích thước và chất lượng.
Nếu thu quả từ nhánh cấp I thì hãy cắt cả nhánh đó, vậy là cây sẽ thông thoáng dần dần từ dưới gốc lên.
Nếu bạn luôn thu hoạch quả non với kích thước nhỏ thì cây có thể sản xuất rất nhiều liên tục. Cố gắng thu hoạch sớm, đặc biệt là vào lúc cây bắt đầu cho quả. Nếu bạn để vài quả 1 đến chín vàng thì cây đó hầu như không cho bạn thêm quả đẹp nữa.
Nếu chăm tốt và không bị bệnh thì nó cho thu hoạch khoảng 1 tháng, thu được 25-30 quả.

5️⃣. Phòng bệnh

Giữ cây thông thoáng, bằng cách bấm ngọn nhánh và cắt tỉa lá già như mình nói ở trên.

Trong quá trình trồng dưa chuột, bạn cần cẩn thận về bệnh phấn trắng. Nó dễ bị nhiễm bệnh trong môi trường nhiệt độ cao và độ ẩm thấp, chúng phát triển trên bề mặt của lá và phủ lớp bột trắng, lá khô héo và năng suất giảm. Hãy cắt bỏ những lá bị bệnh ngay khi phát hiện và phun thuốc khử trùng hoặc nước vôi trong. Nếu cây bị bệnh nặng, phải nhổ bỏ để tránh lây lan, không tiếc được.

Cũng cần chú ý đến cây nấm mốc, có đốm vàng đa giác trên lá. Bạn hãy giảm tưới nước và làm thông thoáng bằng tỉa bớt các lá, chú ý đến việc thiếu phân bón và quá nhiều trái cây. Ngoài ra, hãy canh chừng các loài gây hại như rệp, nhện và bọ dưa cánh cứng.

Trên 90% trong quả dưa chuột là nước và chúng cần nước, có thể nói là "phát triển với nước". Nếu quả bị uốn cong hoặc co lại, đó là dấu hiệu cho thấy nước hoặc phân bón không đủ. Nhưng dưa rất sợ mưa do nước mưa mang tính axit nhẹ làm cho bộ rễ bị bệnh. Rắc 1 nhúm vôi xung quanh gốc trước mưa là rất tốt, nếu không thì rắc trong mưa hoặc sau mưa (trước vàng, giữa bạc, sau đồng)

Hòa tan 1 nắm vôi bột trong 10 lít nước, chờ lắng xuống, gạn lấy nước vôi trong để xịt bui ướt lá tuần 1 lần có khả năng phòng nấm bệnh rất tốt, nhất là bệnh khảm.

Trao đổi thêm về kĩ thuật và kinh nghiệm gieo trồng chăm sóc dưới khung bình luận, Sáng Phan sẽ sớm hồi đáp.